Nên đi khám thai lần đầu khi nào? Trong suốt thai kỳ cần đi khám thai mấy lần? Những thời điểm cần thiết phải đi khám thai? Đây chắc hẳn là điều mà rất nhiều mẹ quan tâm, đặc biệt với các mẹ mang thai lần đầu. Cùng khám phá các cột mốc khám thai mẹ lưu ý trong bài viết này nhé!
1. Nên đi khám thai lần đầu khi nào tốt nhất?
Việc khám thai lần đầu tiên có ý nghĩa rất quan trọng, đây là cột mốc giúp xác định chính xác mẹ có mang thai hay không. Kết quả khám thai lần đầu tiên có chính xác hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm đi khám thai của mẹ. 2 tuần đầu sau khi thụ thai thành công, trứng sẽ ở lại trong tử cung khoảng 48 giờ để thực hiện hoạt động phân bào. 2 – 3 ngày tiếp theo, hợp tử sẽ di chuyển vào tử cung và làm tổ ở đó luôn. Vậy nên có thể xác định thời điểm đi khám thai lần đầu tiên phù hợp là sau khoảng 3 tuần kể từ thời điểm chậm kinh. Nếu đi khám thai quá sớm, trước 3 tuần thì sẽ hơi khó để có thể xác định mẹ có mang thai hay không. Còn nếu đi khám thai lần đầu quá muộn, như vậy sẽ ảnh hưởng đến chế độ dinh dưỡng cũng như cách chăm sóc bà bầu 3 tháng đầu.
Hiện nay không ít mẹ bầu phát hiện ra việc mình mang thai ở giai đoạn khá muộn. Vậy nên khuyên các cô vợ trẻ, khi thấy trễ kinh khoảng 3 – 4 tuần thì nên đi kiểm tra để biết chính xác mình có đang mang mầm nhỏ hay không. Hoặc không thì cũng có thể biết mình có đang gặp vấn đề gì về nội tiết dẫn đến việc trễ kinh hay không.
2. Khám thai lần đầu cần làm những gì?
Sau khi đã xác định được khi nào nên đi khám thai lần đầu tiên, mẹ bầu cần biết trong lần khám thai này, mẹ bầu cần làm những gì?
Trong lần khám thai đầu tiên này, bác sĩ sẽ tiến hành hỏi han, thăm khám theo trình tự 5 bước sau:
– Hỏi thăm tiền sử bệnh: vì là lần khám thai đầu tiên nên bác sĩ cần thăm hỏi về các bệnh mẹ bầu đã từng gặp trước đó như bệnh mãn tính, các loại thuốc thường dùng, có từng làm phẫu thuật chưa, có bị dị ứng chất gì đặc biệt không, thói quen ăn uống, có sở thích với các chất kích thích như rượu, cà phê, thuốc lá, … có từng sảy thai trước đó hay không?
– Hỏi về dấu hiệu mang thai: bác sĩ sẽ hỏi thăm về các dấu hiệu mang thai hiện tại của mẹ bầu như lần có kinh nguyệt gần nhất, có dấu hiệu mệt mỏi, buồn nôn, … hay không
– Kiểm tra sức khỏe hiện tại: bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra 1 vài chỉ số cơ bản của cơ thể như nhịp tim, huyết áp, cân nặng, chiều cao. Ngoài ra một số trường hợp bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra cơ quan sinh sản và kích thước vùng xương chậu
– Tiến hành xét nghiệm cơ bản: việc làm những xét nghiệm gì trong lần khám thai đầu tiên sẽ được quyết định bởi bác sĩ trực tiếp thăm khám. Tuy nhiên một số xét nghiệm dưới đây chắc chắn sẽ được tiến hành: xét nghiệm máu để kiểm tra nhóm máu và mức độ thiếu máu, xét nghiệm beta HCG, xét nghiệm nước tiểu, kiểm tra hàm lượng đường trong máu với các mẹ bầu dấu hiệu tiểu đường, xét nghiệm mức độ lây nhiễm với các mẹ mang bệnh truyền nhiễm như viêm gan B, HIV, …
– Giải đáp thắc mắc: người mang bầu những tháng đầu thường có khá nhiều câu hỏi như nên ăn gì, nên ăn bao nhiêu, nên kiêng ăn gì, nên uống thuốc gì, tình trạng sức khỏe hiện tại có đảm bảo mang thai an toàn? Khi nào thì nên đến khám thai lần nữa? Bác sĩ khám thai sẽ giải đáp hết mọi điều thắc mắc và hẹn lần khám thai tiếp theo.
3. Khi nào thì đi siêu âm thai lần đầu tiên?
Nếu như thời điểm khám thai lần đầu là khi trễ kinh được 3 – 4 tuần thì theo bác sĩ Phạm Thị Ngọc Điệp – bác sĩ bệnh viện Từ Dũ, thời điểm siêu âm thai lần đầu tiên thích hợp nhất là vào tuần thai thứ 6 hoặc thứ 7.
Nhiều mẹ không nhớ được thời điểm trễ kinh mà thường được chỉ định siêu âm thai lần đầu trong lần khám thai đầu tiên luôn. Tuổi thai được tính kể từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối. Việc siêu âm thai lần đầu nếu quá sớm hoặc quá muộn có thể ảnh hưởng đến kết quả siêu âm. Nếu siêu âm quá sớm, lúc này hợp tử còn quá nhỏ, sẽ không phán đoán chính xác được mẹ có chính xác mang bầu hay không. Còn nếu siêu âm quá muộn sau 7 tuần có thể sẽ muộn phát hiện 1 số vấn đề như dị tật, mang thai ngoài dạ con, …
4. Mẹ bầu cần lưu ý gì khi khám thai lần đầu tiên?
Khi khám thai lần đầu tiên, mẹ bầu cần lưu ý 1 số điều sau đây:
– Lựa chọn kỹ cơ sở thăm khám, đặc biệt là bác sĩ khám thai vì có thể bác sĩ sẽ theo mẹ trong suốt thời gian mang thai. Nhiều mẹ còn lựa chọn luôn bác sĩ đỡ đẻ trong phòng sinh là người thăm khám, theo dõi sức khỏe mẹ bé
– Chuẩn bị trước những câu hỏi cần được giải đáp khi gặp bác sĩ
– Nên uống nhiều nước trước khi siêu âm thai lần đầu tiên
– Luôn giữ lại kết quả khám thai để sau này làm hồ sơ đi sinh sẽ không phải làm lại các xét nghiệm và bác sĩ trợ sinh sẽ nắm được tình hình sức khỏe của mẹ bầu
Trên đây là lời khuyên nên khám thai lần đầu tiên khi nào và khi nào nên siêu âm thai lần đầu tiên. Nếu mẹ đang tìm hiểu trước thông tin bầu bí thì nên ghi nhớ các cột mốc này, nếu thấy trễ kinh nên theo dõi biểu hiện cơ thể và đi kiểm tra để biết chính xác tình trạng mang thai.
Bài viết liên quan
>>> 15 dấu hiệu khi mang thai con trai chuẩn không cần chỉnh