Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp cơ bản trong xã hội, phản ánh nhận thức, tư duy và tâm lý của trẻ. Ngay từ những năm đầu tiên, trẻ đã bắt đầu phát triển ngôn ngữ. Tuy nhiên không phải bé nào cũng phát triển ngôn ngữ giống nhau, không phái bé nào cũng tập nói ở tháng thứ 10, tháng thứ 11. Điểm qua các giai đoạn phát triển ngôn ngữ của trẻ để biết bé của mẹ có đang gặp vấn đề chậm phát triển ngôn ngữ không nhé.
1. Phát triển ngôn ngữ ở trẻ dưới 1 tuổi
Với trẻ dưới 1 tuổi, các giai đoạn phát triển ngôn ngữ của trẻ được chia làm 4 chặng:
Từ 0 – 3 tháng tuổi
Ba mẹ có thể nhận thấy trong giai đoạn này, ngoài việc khóc, trẻ cũng bắt đầu biết ê a, ọ ọe khi ngủ, khi thức, khi ty mẹ. Đây là biểu hiện đầu tiên của trẻ trong quá trình hình thành và phát triển ngôn ngữ cũng như cách biểu đạt ngôn ngữ.
Từ 4 – 6 tháng tuổi
Giai đoạn này bé bắt đầu phản ứng với câu chuyện của ba mẹ, bé có thể đã cười thành tiếng, vẫn ê a nhưng chưa rõ được từ ngữ. Nhiều bé thậm chí còn hét lên khi thích thú quá mức
Từ 7 – 9 tháng
Giai đoạn này bé đã bắt đầu ăn dặm, lưỡi cũng linh hoạt hơn. Mẹ có thể bắt đầu dạy bé 1 số từ đơn giản như “ba ba”, “mama”, … bé sẽ có thể lặp lại theo.
Từ 10 – 12 tháng
Nếu trẻ đã bắt đầu tập nói từ giai đoạn trước thì sang đến 3 tháng này, trẻ bắt đầu nói được từ dài hơn. Còn 1 số trẻ nếu chưa bắt đầu tập nói ở tháng thứ 9, mẹ có thể dạy con tập trong giai đoạn này. Lúc này kỹ năng nghe của bé cũng đã hoàn thiện hơn, điều này giúp cho con học nói cũng tốt hơn
2. Phát triển ngôn ngữ ở trẻ trên 1 tuổi
Từ 12 – 18 tháng tuổi
Hầu hết các bé đều bắt đầu nói được nhiều từ hơn trong 6 tháng này. Ba mẹ bắt đầu dạy thêm cho con nhiều từ vựng hơn như đồ vật, màu sắc, con vật, cây cối và những điều xảy ra hàng ngày. Có thể bé chưa nói theo ba mẹ ngay được nếu là từ ngữ dài hoặc khó phát âm. Tuy nhiên trẻ sẽ hiểu được từ ngữ đó, nhất là các từ ngữ về mệnh lệnh, các câu hỏi ở đâu, cái gì. …
Từ 18 – 24 tháng tuổi
Giai đoạn này con có thể nghe, hiểu và nói được khoảng 300 từ vựng khác nhau. Ba mẹ lưu ý để dạy con vốn từ, cùng con luyện tập nhất là khả năng nói. Ngoài việc học được nhiều từ vựng hơn, trẻ cũng nói được những câu nói dài hơn. Có thể trả lời câu hỏi của bố mẹ, tuy chưa đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ nhưng cũng đã biểu đạt được câu trả lời.
Ở giai đoạn này nếu ba mẹ thấy con ít nói hoặc không nói thì nên đưa bé đến khám tại các cơ sở y tế để kiểm tra khả năng phát triển ngôn ngữ ở trẻ. Có thể con đang gặp vấn đề chậm nói.
Từ 2 – 3 tuổi
Giai đoạn này trẻ đã nói được khá thành thạo rồi, các câu dài hơn, đầy đủ chủ ngữ vị ngữ. Mẹ bắt đầu nên dạy con cách nói chuyện với người lớn, cách dùng kính ngữ thưa gửi và những câu nói về địa chỉ, khu vực sống. Đây là điều mà rất nhiều cha mẹ lựa chọn dạy con để phòng khi con đi lạc sẽ biết trả lời.
Từ 4 – 5 tuổi
Đây là giai đoạn con bắt đầu đi học các lớp mầm, lớp lá, con khám phá thế giới xung quanh rộng lớn. Sẽ có nhiều câu hỏi “Tại sao” được con đặt ra trong giai đoạn này. Nhiều bé có khả năng ghi nhớ tốt, nếu ba mẹ đã giải thích cho con 1 vấn đề, con sẽ có thể trả lời lưu loát trong những lần sau nếu được hỏi đến.
Giai đoạn này ba mẹ có thể dạy con đọc chữ cái hoặc sớm hơn là ghép từ, làm quen với cách học đánh vần trên sách. Trẻ cũng có thể kể cho ba mẹ nghe chuyện ở trường lớp, những câu chuyện được cô giáo kể cho nghe, hay hát, hay bắt chước các đoạn quảng cáo trên tivi.
Từ 6 tuổi trở lên
Lúc này khả năng nghe nói của con đã rất tốt rồi, ba mẹ cần giúp con trau dồi thêm vốn từ vựng để con sử dụng từ ngữ đa dạng, linh hoạt hơn
Trên đây là các giai đoạn phát triển ngôn ngữ của trẻ trong 6 năm đầu đời, ba mẹ có thể cùng con học từ vừng, học cách nói chuyện, giao tiếp qua việc nói chuyện hàng ngày, nghe nhạc, đọc sách, đố con từ vựng. Có nhiều gia đình chọn cách cho con học 2 ngôn ngữ trong 6 năm đầu tiên vì khả năng học ngôn ngữ của con lúc này rất tốt, nhất là nghe, nói.
Bài viết liên quan
>>> Tìm hiểu các giai đoạn phát triển của trẻ sơ sinh 0-12 tháng tuổi