Nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ giúp cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho bé mà còn giúp thắt chặt mối quan hệ giữa mẹ và bé. Tuy nhiên, vấn đề bé khóc khi bú mẹ là điều mà nhiều mẹ bận tâm. Vậy nguyên nhân do đâu dẫn tới tình trạng trên, mọi người hãy tìm hiểu bài viết dưới đây nhé.
• Sữa tiết ra quá nhanh hoặc quá chậm
Đây là lý do phổ biến nhất khiến bé cảm thấy khó chịu khi bú mẹ. Sữa tiết ra quá nhanh hoặc quá chậm đều có thể kích thích và khiến bé khóc. Nếu bạn thấy bé ho hoặc sặc khi bú, đây có thể là dấu hiệu cho thấy sữa tiết ra quá nhanh. Mặt khác, nếu bé nhả ti mẹ, cong lưng và tựa vào ngực, điều này có nghĩa là sữa tiết ra quá chậm.
• Bé muốn ợ hơi
Bé khóc khi bú mẹ có thể là do bé muốn ợ hoặc xì hơi. Khi chuyển bé từ vú này sang vú khác, bạn có thể đặt bé lên vai và xoa lưng nhẹ nhàng cho bé. Những bé từ bốn tháng tuổi trở lên có thể tự mình ợ hơi.
• Bé bị phân tâm
Trẻ sơ sinh từ ba tháng tuổi trở lên thường rất chú ý đến môi trường xung quanh và dễ bị phân tâm. Nếu khi bú, nghe thấy tiếng ồn lớn từ phòng khác, bé có thể trở nên tò mò. Việc bạn cố gắng cho bé bú tiếp có thể khiến bé khó chịu.
• Bé đang mọc răng
Một số bé thường quấy khóc nhiều hơn khi bú trong giai đoạn mọc răng. Nguyên nhân là do trong thời gian này, nướu răng của bé bị đau và hành động mút vú mẹ có thể khiến bé khó chịu.
• Bé bị căng thẳng
Bé rất nhạy cảm và có thể cảm nhận được khi thấy mẹ hoặc người chăm sóc đang căng thẳng. Điều này có thể ảnh hưởng đến bé, khiến bé khóc khi bú.
• Bé học được điều mới
Trẻ sơ sinh phát triển liên tục và đôi khi những thay đổi về thể chất hoặc tình cảm có thể khiến bé khó chịu. Hoạt động não bộ tăng lên có thể cản trở thói quen bú của bé.
• Bé không muốn bú
Đôi khi bạn sẽ thấy bé nhả ti mẹ ngay khi bạn bắt đầu cho bé bú hoặc bé không chịu bú. Điều này có thể là do bé không thấy đói và không muốn bú mẹ. Nếu rơi vào tình huống này, bạn nên dỗ bé nín và không nên ép bé bú.
• Bé bị nấm miệng
Nấm miệng có thể là nguyên nhân khiến bé khóc khi bú mẹ. Những đốm trắng trên lưỡi hoặc bên trong miệng của bé có thể là cặn sữa nhưng cũng có thể là do nấm miệng. Tình trạng này có thể gây đau đớn và khiến bé khó chịu khi bú. Nếu bạn thấy bé có triệu chứng trên, bạn nên đưa bé đến bác sĩ khám ngay nhé.
Nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ giúp cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho bé mà còn giúp thắt chặt mối quan hệ giữa mẹ và bé. Tuy nhiên, công việc này có thể trở thành ác mộng nếu bạn nhìn thấy bé khóc khi bú mẹ.
• Bé thích bú bên ngực này hơn bên ngực còn lại
Đôi khi bé chỉ thích bú ở một bên ngực nào đó. Do đó, khi cho bé bú ở bên ngực khác, bé có thể khó chịu. Nếu rơi vào tình huống này, bạn nên đưa con đến gặp bác sĩ để xác định rõ nguyên nhân. Đôi khi điều này có thể do bé gặp một số vấn đề về sức khỏe như nhiễm trùng một bên tai hoặc đau. Nếu nghiêng về phía tai đau, bé sẽ tỏ ra khó chịu.
• Bé bị tật cứng lưỡi
Tật cứng lưỡi là tình trạng đoạn màng nối bên dưới lưỡi bị ngắn hoặc kéo quá dài về phía cuối lưỡi của bé, khiến lưỡi gần như dính chặt dưới sàn miệng. Điều này khiến bé gặp khó khăn khi bú mẹ.
• Bé bị nghẹt mũi
Nếu bé bị cảm lạnh hoặc cúm, mũi của bé có thể bị nghẹt, gây khó chịu cho việc thở khi bú và bé có thể phải ngừng bú một lúc để thở. Điều này sẽ khiến bé rất khó chịu. Đôi khi, tư thế cho bú không đúng cũng có thể khiến bé khó thở. Nói chuyện với bác sĩ để biết tư thế khi cho bé bú nhé.
• Bé bị trào ngược dạ dày – thực quản
Bình thường, khi trẻ bú, sữa đi qua miệng, xuống thực quản rồi vào dạ dày. Tại đây, sữa được hấp thu một phần, sau đó di chuyển xuống ruột. Trào ngược dạ dày -– thực quản là tình trạng sữa sẽ từ dạ dày trào ngược lên thực quản. Nguyên nhân khiến trẻ bị trào ngược dạ dày – thực quản là do thức ăn của bé chủ yếu ở thể lỏng, trẻ lại hay nằm nhiều và thực quản trẻ cũng ngắn hơn so với người lớn.
• Bé nhạy cảm với thực phẩm
Nếu bé bú mẹ hoàn toàn, bé sẽ rất ít khi bị nhạy cảm với thực phẩm. Tuy nhiên, nếu bạn cho bé ăn các loại thực phẩm khác, bé sẽ có nguy cơ bị dị ứng với một số triệu chứng thường gặp như đầy hơi, đau bụng hoặc khó chịu. Bạn có thể nói chuyện với bác sĩ về dị ứng thực phẩm và tìm hiểu những ảnh hưởng của nó đối với việc bú mẹ.