Mùa đông có thời tiết khá nhạy cảm đối với sức khỏe của trẻ sơ sinh. Cách chăm sóc trẻ sơ sinh vào mùa đông được rất nhiều bà mẹ bỉm sữa quan tâm đến. Thậm chí có nhiều mẹ sinh bé lần thứ 2 vẫn chưa nắm hết được kinh nghiệm chăm con nhỏ như thế nào vào mùa lạnh. Trong bài viết này chúng tôi xin giới thiệu đến các mẹ 6 cách chăm sóc trẻ sơ sinh từ A-Z vào mùa đông lạnh cực chi tiết.
Đội mũ, bao tay, bao chân cho bé thường xuyên
Vai trò của những đôi bao tay, bao chân dành cho trẻ nhỏ đó là giúp trẻ không những giúp bé giữ ấm tay, chân mà còn giúp bé không tự cấu vào mặt, vào người mình, gây xước da, khó chịu.
Tuy nhiên khi trẻ sơ sinh phát triển, việc cảm nhận được cảm giác đau rát bằng xúc giác cũng là một biểu hiện tốt của đứa trẻ phát triển bình thường. Bé dùng tay để chạm, sờ vào mọi thứ chính là cách giúp bé cảm nhận và khám phá thế giới xung quanh của mình, góp phần phát triển não bộ. Khi đeo bao tay thường xuyên sẽ ít nhiều làm cho bé cảm thấy bị khó chịu và hạn chế điều kiện khám phá.
Những bước học hỏi ban đầu của trẻ bao giờ cũng có sai lầm và làm mẹ cảm thấy lo lắng. Bé có thể cào xước da của mình nhưng những vết thương đó không để lại sẹo hoặc không quá nghiêm trọng đối với sức khỏe của bé. Hầu hết các bé sơ sinh nếu không mang bao tay chỉ cào vào mặt mình một vài lần sẽ tự cảm nhận được cảm giác đau rát sau một vài lần bé sẽ không lặp lại hành vi này nữa.
Khi thời tiết mùa đông lạnh quá mẹ có thể mang bao tay, bao chân cho bé. Còn nếu như phòng có điều hòa, lò sưởi ấm áp chúng ta có thể cho bé để chân trần để bé cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn.
Chọn quần áo sơ sinh cho bé mẹ nên ưu tiên những bộ đồ có chất vải cotton, vải nỉ, không nên chọn chất liệu quá dày vì sẽ làm bé cảm thấy khó chịu trong quá trình mặc.
Tắm cho bé khi nào thì tốt nhất?
Trẻ sơ sinh có sức đề kháng yếu, tắm buổi tối dễ làm bé bị cảm lạnh, sổ mũi. Nếu bố mẹ chưa an tâm thì chúng ta có thể tắm cho bé vào bất kỳ thời gian nào mà chúng ta cảm thất phù hợp nhất để cả bố mẹ và bé cảm thấy thoải mái, vui vẻ. Các nguyên tắc mẹ cần lưu ý khi tắm cho trẻ sơ sinh:
- Khi bé chưa rụng rốn, mẹ nên tắm khô cho bé, tức là chỉ ngập phần người của bé vào nước, không để rốn của bé bị dính nước. Bố mẹ có thể nhờ các bác sĩ, y tá hướng dẫn cách tắm cho trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, thời kì này thường chỉ 1-2 tuần, bé đã được tắm 1-2 lần ở viện nên để đơn giản và ít áp lực hơn cho bố mẹ thì mình nghĩ tắm khô là cách an toàn hơn.
- Trước khi tắm cho bé mẹ cần chuẩn bị nước ấm, khăn tắm, sữa tắm, chậu,…đầy đủ rồi mới cho bé vào tắm. Tuyệt đối không cho bé vào chậu khi đang xả nước vì có thể nước đột ngột chuyển sang nóng hoặc lạnh.
- Vào mùa đông trẻ sơ sinh chỉ cần tắm 2-3 lần trong tuần là được. Việc tắm nước ấm nhiều vào mùa đông sẽ khiến cho bé bị khô da, nứt nẻ, nhất là khi dùng sữa tắm. Thay vì tắm ướt chúng ta có thể thường xuyên lau sạch sẽ tay chân, vùng cổ, nách, háng…, thay tã cho bé 4-6 tiếng/lần.
- Nhiệt độ phòng thích hợp cho trẻ sơ sinh từ 22-28 độ C, bé luôn cảm thấy nóng hơn người lớn nên bố mẹ không cần phải lo bé bị lạnh mà để nhiệt độ quá cao hay mặc nhiều quần áo cho bé khiến bé bị nóng, ra mồ hôi gây ngứa, dị ứng da.
- Không tắm bé sau khi bé ăn no, nên tắm bé sau khi bú ít nhất 30 phút – 1 tiếng.
Kinh nghiệm tắm cho bé như thế nào cũng là một trong những cách chăm sóc trẻ sơ sinh vào mùa đông mà các mẹ mới sinh con hoặc sắp sinh em bé cần phải nắm rõ để yên tâm hơn khi nuôi con nhé.
Có nên tắm nắng cho bé vào mùa đông?
Trẻ mới sinh, sức đề kháng đang còn yếu, nhiều mẹ rất hạn chế cho bé ra ngoài vì sợ cảm lạnh. Tuy nhiên vào mùa đông khi bé được tắm nắng không những giúp bé có da dẻ hồng hào mà còn bổ sung vitamin D, giúp xương chắc khỏe, cứng cáp.
Mục đích của việc tắm nắng là bổ sung vitamin D để cơ thể có đủ vitamin D cho nhu cầu phát triển chiều cao, tập đi, tập chạy của bé. Vitamin D có vai trò quan trọng trong việc tổng hợp canxi, đảm bảo bé phát triển chiều cao tốt và không bị thiếu canxi. Lượng vitamin D cần thiết cho trẻ từ sơ sinh là 400IU mỗi ngày.
Mặc quần áo, dùng máy sưởi, điều hòa mùa đông cho bé như thế nào?
Đối với những ai lần đầu làm mẹ sẽ cảm thấy băn khoăn khi cảm nhận về nhiệt độ của trẻ, liệu con có cảm thấy nóng hay lạnh giống mình không? Điều này khiến nhiều cha mẹ không dám để con nằm một mình, thi thoảng lại phải quay sang sờ xem con có nóng, có lạnh không rồi lại điều chỉnh điều hòa, máy sưởi. Vậy, làm thế nào để đảm bảo con đã đủ ấm, đủ mát và có thể ngủ cả đêm?
Đầu tiên hãy luôn nhớ là bé luôn cảm thấy nóng hơn bạn nếu ở cùng một nhiệt độ và bé sẽ thoải mái hơn nếu ở nhiệt độ hơi lạnh một chút.
Khi đã để nhiệt độ phòng thích hợp ở mức trên, bố mẹ chỉ cần mặc cho bé một bộ quần áo dài tay là an tâm bé có thể ngủ ngon, chơi ngoan cả ngày. Bố mẹ không nên đắp chăn quá dày cho bé vì chăn có thể làm tăng nguy cơ tử vong đột ngột khi ngủ ở trẻ sơ sinh nếu chăn phủ lên mặt bé vì bé chưa biết đẩy chăn ra.
Khi đi ra ngoài hoặc trong những ngày không dùng điều hòa, lò sưởi, nguyên tắc mặc quần áo cho bé phù hợp là mặc nhiều hơn bố mẹ 1 lớp quần áo. Nếu bố mẹ cảm thấy rất mát, cởi trần cũng được thì chỉ nên mặc cho bé 1 bộ quần áo thoáng mát là được. Nếu bố mẹ mặc 3 lớp thì nên mặc cho bé 4 lớp. Lớp trong cùng nên là bộ body bó sát vào cơ thể, giữ ấm bụng cho bé. Các lớp ngoài cũng nên mỏng, nhẹ để dễ dàng vận động và cởi ra khi nóng.
Bố mẹ không nên mua những chiếc áo quá dày, quá ấm rồi mặc cho bé chỉ 1, 2 lớp sẽ khó điều chỉnh khi bị nóng và khó khăn khi vận động. Các bé thường rất dễ cảm thấy nóng khi bú hoặc khi vận động. Giữa các lớp quần áo nên rộng rãi, lỏng lẻo một chút để lớp không khí ở giữa giống như một lớp cách nhiệt, giúp bé ấm áp hơn. Bố mẹ cũng nên đội mũ, đeo bao chân hoặc tất chân cho bé khi ra ngoài, khi thời tiết lạnh. Nếu bạn dùng địu thì lớp địu đã là một lớp quần áo rồi, chưa kể thân nhiệt của mẹ sẽ ủ ấm bé nữa nên hãy cởi bớt đồ cho bé nhé.
Một lưu ý nhỏ nữa là những giờ đầu sau sinh, bé còn phải thích nghi với nhiệt độ môi trường mới và hệ thống điều hòa thân nhiệt của bé chưa hoạt động tốt nên phải mặc nhiều hơn người lớn 1, 2 lớp quần áo. Bố mẹ cũng nên đội mũ cho bé vì gần 25% lượng nhiệt mất đi từ cơ thể là qua vùng đầu của bé.
Khi nào bé sơ sinh có thể ra ngoài?
Không ít ông bà, bố mẹ muốn kiêng kị cho trẻ sơ sinh đến khi đầy tháng. Tuy nhiên không có một giải thích nào về lý do tại sao không nên cho bé ra ngoài khi chưa đầy tháng.
Mặc dù việc ra ngoài trời khiến bé có thể tăng nguy cơ tiếp xúc với nhiều vi khuẩn, virus từ những người khác có thể khiến bé có nguy cơ bị ốm vì các em bé hệ miễn dịch vẫn còn yếu nhưng việc ra ngoài trời có rất nhiều lợi ích như:
– Hít thở không khí trong lành
– Thay đổi không gian, mở rộng thế giới của bé
– Thư giãn cho cả mẹ và bé
Vì vậy, nếu bé sinh đủ tháng và hoàn toàn khỏe mạnh, sau khi sinh từ vài ngày đến 1 tuần, nếu điều kiện thời tiết phù hợp, bố mẹ có thể cho bé ra ngoài đi dạo hít thở không khí trong lành, từ vài phút tăng dần lên mỗi ngày.
Bé có cần nằm gối, đắp chăn, gối chặn, quây cũi?
Có thêm một em bé thật “phiền phức” vì riêng việc chuẩn bị khu vực ngủ của trẻ cũng không giống chúng ta. Nhiều mẹ nghĩ rằng mùa đông lạnh nên đắp chăn gối đầy đủ cho con. Tuy nhiên điều này có phải là cách chăm sóc trẻ sơ sinh vào mùa đông đúng cách không?
Nơi an toàn nhất để trẻ sơ sinh ngủ là trong một chiếc cũi an toàn. Một chiếc cũi an toàn là một chiếc cũi đáp ứng các tiêu chuẩn : không gối, không chăn dày, không có tấm phủ nặng, không đồ chơi mềm.
Tại sao trẻ sơ sinh nên hạn chế dùng gối?
Bố mẹ thường nghĩ có thêm một chiếc gối thì bé ngủ sẽ thoải mái hơn. Tuy nhiên, trẻ có thể ngủ ngon mà không cần đến gối, trẻ k hề khó chịu nếu k có gối nên bố mẹ k cần lo lắng phải chọn mua gối cho bé.
Hơn nữa, gối còn tiềm ẩn các rủi ro dẫn đến tử vong cho trẻ sơ sinh nếu gối đè lên mũi và miệng trẻ, hay trẻ quay sấp, nghiêng khiến gối chặn mũi và miệng trẻ khiến trẻ nghẹt thở. Khả năng vận động của trẻ sơ sinh thời kì này còn khá kém.
Tại sao không nên dùng chăn dày cho bé?
Trẻ có khả năng bị nghẹt thở khi chăn phủ lên mặt, bé không thể tự lấy chăn ra như người lớn được. Vì thế, để an toàn hơn, bố mẹ nên để nhiệt độ phòng thích hợp (16-22 độ), cho bé mặc quần áo vừa đủ ấm (1-2 lớp), có thể quấn bé, dùng túi ngủ để ngủ ngon hơn và đỡ lạnh hơn. Nếu dùng chăn, hãy chọn chăn mỏng, thưa sẽ an toàn hơn cho bé. Khi dùng chăn, người lớn phải thường xuyên để mắt tới bé.
Khi bé được khoảng 12 tháng trở đi, bạn có thể cho bé mang chăn, các loại gấu bông vào giường, cũi ngủ an toàn.
Khi nào cần đánh thức bé dậy để bú
Những em bé sơ sinh thường bú rất nhiều và ngủ cũng rất nhiều. Có những lúc bé ngủ có vẻ ngon quá nhưng quá lâu rồi, liệu có nên đánh thức bé dậy để bú không? Đêm bé ngủ xuyên đêm không bú đêm, liệu có nên đánh thức bé dậy để bú đêm không?
Rất nhiều trẻ sơ sinh sẽ ngủ rất nhiều trong những ngày đầu, tuần đầu và không thể hiện dấu hiệu đói thường xuyên khi chúng cần bú. Những em bé sơ sinh trong vòng 1 tháng đầu cần được cho bú bất cứ khi nào có dấu hiệu đói nhưng ít nhất là cách 2 giờ vào buổi ngày và cách 4 giờ vào buổi đêm, từ 8-12 cữ trong vòng 24 tiếng một ngày.
– Dạ dày của trẻ sơ sinh còn rất bé, 2 tuần đầu kích cỡ chỉ tương đương 1 quả bóng bàn và bé sẽ tiêu hóa thức ăn rất nhanh, khoảng 90 phút sau khi bú là bé đã tiêu hóa xong sữa mẹ rồi.
– Trong những tuần đầu đời, bé có thể ngủ rất nhiều, rất buồn ngủ nên không nhận ra và thể hiện rõ những dấu hiệu đói bụng và cần bú của mình.
– Bé cần tăng cân và bạn cũng cần cho con bú thường xuyên để tăng lượng sữa của mình
Sau khoảng 1 tháng đầu tiên, nếu bé thể hiện tăng trưởng cân nặng tốt (tăng ít nhất 133 gram mỗi tuần với trẻ dưới 4 tháng), bạn có thể dừng đánh thức bé dậy để cho bú và để bé tự quyết định chu kì ăn ngủ của mình.
Trên đây là một số chia sẻ về cách chăm sóc trẻ vào mùa đông của KidsPlaza, hy vọng các mẹ cảm thấy hữu ích khi áp dụng vào chăm sóc cho bé nhà mình nhé!